Sau 1 trận cầu kịch tính với 7 bàn thắng, trận Italia Nhật Bản đã để lại nhiều bài học với người trong cuộc. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho cá nhân Cesare Prandelli, sự khích lệ lớn lao mà người Nhật nhận được từ trận thua, và một hình thức điều hành trận đấu nửa vời của các trọng tài. 1. Thua tỷ số, thắng tinh thần Một quãng nghỉ ngắn quả có sức mạnh to lớn không thể tưởng tượng được. Một Nhật Bản kiệt sức và lệch múi giờ sinh hoạt sau khi bay từ Qatar sang Brazil đã để thua đội chủ nhà 0-3 ở trận mở màn. Nhưng trước Italia, Nhật Bản như đã không còn là một đội bóng châu Á. Họ gần như khiến Italia mất mặt trong một tiếng đồng hồ. Bầu trời Recife chẳng giúp Italia áp đảo được một Nhật Bản pha trộn giữa phong cách cơ bắp (Makoto Hasebe), trực giác (Shinji Kagawa) và sự tinh tế (Shinji Okazaki). Nhật Bản dẫn tới 2-0 sau một quả penalty và một cú đá trời giáng của Kagawa. Italia cố gắng xóa tan cơn bão Nhật, với hy vọng rằng đà bật của những người đến từ Viễn Đông sẽ chậm lại. Và quả thực họ đã làm được ở cuối hiệp 1, một cú đánh đầu của De Rossi, một cú đá đập cột của Giaccherini. Kagawa ghi một bàn đẹp mắt Lúc này, chúng ta lại phân vân không biết hai bên nói gì trong phòng thay đồ giờ giải lao. Dù nó là gì đi nữa, Italia cũng là đội rời khỏi phòng thay đồ trong sự hứng khởi. Atsuto Uchida đá phản lưới nhà, một quả penalty có phần bí hiểm của Balotelli đưa Italia dẫn 3-2. Nhưng rồi, Nhật Bản bật dậy. Kagawa tra tấn cánh phải của Italia, Okazaki bất ngờ dạt cánh. Bàn gỡ hòa đến từ một pha bóng cố định khi Okazaki đánh bại Montolivo ở phía cột gần. Và suýt nữa đã là 4-3 nếu Keisuke Honda không gặp may trước Buffon và Okazaki không đưa bóng dội cột. Nghiệt ngã cho Nhật Bản, Sebastian Giovinco ấn định thắng lợi 4-3. Nhưng không thể chê nhà vô địch châu Á vào đâu được, đây là lần đầu tiên kể từ sau trận chung kết EURO 2012 mà chúng ta thấy một đội tuyển chơi hay đến vậy trước Italia của Cesare Prandelli. Thất bại về mặt tỷ số, nhưng chiến thắng về mặt uy tín, đó là Nhật Bản tại Confederation Cup 2013. 2. Thất bại cá nhân của Prandelli Zaccheroni và Prandelli rất khác nhau. Nếu Prandelli là một HLV vì cầu thủ, thì Zaccheroni là một HLV vì chiến thuật. Trong đêm vừa rồi, Italia của Prandelli đã thắng, nhưng Zaccheroni mới là người đánh bại Prandelli trong cuộc chiến cá nhân giữa họ. Prandelli cần phải cảm ơn thần may mắn rằng ông và các học trò đi tiếp trong một ngày rất nhiều điều đã đi sai đường. Thắng nhưng Italia đã mắc nhiều sai lầm Kế hoạch ban đầu của Italia, giữ bóng và làm chậm nhịp tấn công trong tiết trời oi bức của Recife, đúng là rất logic (và đó là lý do vì sao Aquilani được xuất phát chứ không phải Marchisio, và vì sao Maggio ra sân thay vì Abate). Tuy nhiên, Prandelli phải hiểu rằng ông đang đá với đối thủ nào. Cả Aquilani và Maggio đều không thể chịu được nhiệt, và tốc độ của họ là khá chậm chạp so với diễn tiến rất nhanh của trận đấu cũng như tốc độ của chính các cầu thủ Nhật Bản, và cả hai đã bị thay ra. Prandelli đã có một quyết định hợp lý là tung Giovinco vào để Italia có thêm tốc độ và chất sáng tạo ở bên phần sân đối phương. Nhưng điều này có nghĩa là mất hàng tiền vệ. Azzurri chỉ kiểm soát bóng có 45% thời lượng trận đấu. Đây không phải là đội tuyển mà Prandelli thực sự dẫn dắt. Zaccheroni đã thắng trong ý đồ, chỉ có điều các cầu thủ của ông không kết liễu được đối phương. Đã đến lúc Prandelli phải vặn nút điều chỉnh. Thực tế là Italia sẽ phải gặp Brazil và sau đó rất có thể là Tây Ban Nha. Sai lầm thêm là dừng cuộc chơi, thậm chí có thể bằng những thất bại khá đậm. 3. Thổi phạt kiểu “đền bù”? Trọng tài Diego Abal có những tiếng còi không hợp lý trong hiệp 1, trong đó có quả penalty cho Nhật sau khi Buffon lao ra bắt bóng kịp trước khi Okazaki chạm bóng. Keisuke Honda dứt điểm từ chấm 11m để Nhật vượt lên 1-0. Sang đầu hiệp 2, Makoto Hasebe chắn cú sút của Giovinco. Xui cho Hasebe, bóng đập chân anh rồi bật nẩy lần nữa vào cánh tay. Trọng tài Abal chỉ tay vào chấm 11m và Balotelli ghi bàn. Đây là quyết định còn tồi hơn quyết định ở hiệp 1. Hai tiếng còi dở, mỗi cái cho một đội, mỗi lần mỗi hiệp. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được phải chăng quyết định ở hiệp 2 của ông Abal có phải là “đền bù” cho sai lầm ở hiệp 1. Chỉ có Abal mới biết, nhưng FIFA cấm trọng tài nói trước truyền thông. Khả năng tồn tại những tiếng còi “đền bù” như thế có thể là một lý do giải thích vì sao FIFA ban đầu chưa cho phép sử dụng quay chậm tức thời (instant replays) trên màn hình sân vận động để nhìn rõ pha bóng. Bây giờ thì FIFA đã cho phép sử dụng với những pha bóng đầy tranh cãi như vừa qua. Phải chăng ông Abal đã nhìn lên màn hình lớn sau pha bóng ở hiệp 1 và tự nghĩ “Thôi chết rồi, mình đã làm gì thế này?” (và thực tế ông đã ngước lên nhìn màn hình). Ai biết được. Nhưng nếu giới thiệu quay chậm tức thời để giúp các trọng tài bớt mắc sai lầm, nhưng đồng thời tiếp tục xuất hiện những pha thổi phạt kiểu đền bù này, chẳng thà FIFA bỏ hẳn quay chậm mà cho các trọng tài tự quyết định. Những biện pháp cực kỳ nửa vời này không giúp bất kỳ ai cả.
Quá hài lòng với cách đá tấn công của Nhật. Ghi 3 bàn vào lưới Ý trong 90qhut k phải đội bóng nào hàng đầu thế gới cũng có thể làm được.