Thấy người yêu mình đã có bầu rồi mà luôn có kẻ bám theo tán tỉnh, Định muốn tỏ rõ “chủ quyền” nên tổ chức bữa nhậu với ý định mượn chén để nói sự thật, ai dè bữa cơm thân mật ấy lại mở đầu cho một trận ẩu đả. Đàm Hải Định Mối tình sớm đơm trái Ngồi trong trại giam Vĩnh Quang, Đàm Hải Định, sinh năm 1990, quê ở Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, không khỏi buồn rầu khi nghĩ lại bước đi lầm lỗi của mình. Với mức án chung thân về tội giết người, chắc chắn những năm tháng tuổi trẻ của Định sẽ hoài phí sau song sắt. Định sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ bán hàng ở chợ nên dù là con út song Định không được quan tâm nhiều, vì thế mà chuyện học hành cũng không đến nơi, đến chốn. Hết lớp 7, Định nghỉ học rồi đi phụ việc cho một nhà hàng ở thành phố. Thấy chân chạy loong toong chỉ nhận được thù lao cố định, trong khi đầu bếp hưởng lương cao hơn nhiều, Định xin bố mẹ tiền đi học, theo đuổi ước mơ làm một đầu bếp giỏi. Một lần đi lễ hội, tình cờ Định quen Hoàng Thị Mai, cô gái ít hơn 2 tuổi, nhà dưới huyện. Từ chỗ chỉ hỏi han xã giao, dần dà họ trở thành đôi bạn thân thiết. Trước khi nhận lời yêu Định, Mai về Bắc Ninh theo học nghề may tại trường trung cấp nghề. Thi thoảng nếu Mai không tiện thể về nhà gặp Định thì anh chàng đầu bếp tương lai này lại đón xe xuống Bắc Ninh thăm người yêu. Mai thuê nhà trọ ở ngoài trường nên chuyện tình cảm lứa đôi giữa nơi xa nhà không người lớn dè chừng cuối cùng đã đi quá giới hạn. Từ ngày biết tin Mai có thai, Định năng xuống thăm người yêu hơn. Hai người dự định ra Tết sẽ đưa nhau về giới thiệu với cha mẹ, xin được làm lễ cưới. Điều tệ hại là từ ngày có bầu, Mai lại mỡ màng, đầy đặn những đường cong khiến cho nhiều người chú ý. Trông cô đẹp hẳn lên, một nét đẹp của tuổi dậy thì đang thời kỳ chuẩn bị làm mẹ và cũng vì thế mà có nhiều thanh niên cùng học thường xuyên tới phòng trọ của Mai tán tỉnh. Những lần xuống thăm người yêu, Định luôn cảm thấy khó chịu khi đám thanh niên bạn của Mai đến chơi rồi cứ ở lì tới khuya không chịu về. Trong số họ có Trần Tuấn Khôi, một thanh niên làm nghề bảo vệ, hơn Định 2 tuổi, nhà cũng ở Bắc Ninh. Thấy Mai ưa nhìn, nói chuyện hồn nhiên, Khôi thường lui tới phòng Mai để trò chuyện và nhiều lúc được Mai nhờ chở đi chỗ nọ chỗ kia. Tuổi trẻ vụng dại và ưa phiêu lưu, mạo hiểm, Mai không lường trước được những hậu quả trong trò chơi ú tim ngay cả với tình yêu của mình nên cứ vô tư ỡm ờ với Khôi khiến cho thanh niên này nghĩ Định cũng giống mình, tới tán tỉnh Mai. Thấy Mai có vẻ ngả nghiêng, Định đã một vài lần bảo cô phải dứt khoát. Tuy nhiên, vì cái tính nhõng nhẽo và cũng còn quá trẻ con, Mai cho rằng mình được người khác quan tâm là chuyện bình thường, nhất là khi đang bầu bí, không có người yêu ở bên mà có người giúp đỡ thì càng tốt. Cô không ngờ cái suy nghĩ như “cơi đựng trầu” đã khiến chuyện tình cảm của hai người đã phải trả một giá đắt. Hậu quả là Mai chưa kịp mặc áo cưới đã phải một mình bế con về nhà chồng bởi Định không thể đón cô được. Ngày Mai bế con về nhà người yêu, Định đang trong trại giam, chua chát khi biết rằng sẽ còn rất lâu mới có một đám cưới cho riêng mình và không biết khi đó Mai có còn đợi anh về để thực hiện điều ước ngày yêu nhau nữa hay không. Bữa cơm định mệnh Trưa 1/10/2010, Khôi sang nhà Mai ăn cơm theo lời mời của Định. Sau vài cái cụng ly, tí men trong người giúp Định có đủ dũng khí thông báo cho Khôi biết đứa con trong bụng Mai là của mình và anh đã có kế hoạch đưa Mai về giới thiệu với bố mẹ, định ngày cưới hỏi. Nghe thấy thế, Khôi đứng bật dậy nói: “mày rủ tao đến đây để đánh hả” rồi không cho Định kịp thanh minh, Khôi lao ra ngoài, cầm nửa viên gạch đập vào đầu Định. Bữa cơm trở thành nơi so găng giữa hai kẻ tình địch. Trong lúc quýnh quáng vì bị Khôi đánh, bị Mai ôm chặt vì sợ hãi, Định vô tình chạm tay vào con dao ai đó để ở bục cửa sổ liền chộp lấy, lia lại. Nhát dao đâm trúng mạng sườn khiến Khôi khụyu xuống còn Mai và Định sợ hãi bỏ trốn. “Em bảo Mai ở lại nhưng cô ấy cứ khóc, bảo không dám về nhà vì sợ bố mẹ đánh làm em thương quá, đành phải cho đi theo”, Định kể. Đón xe vào Nha Trang, Định xin làm việc tại một quán ăn còn Mai ở nhà nội trợ nhưng gần một tháng sau, cả hai bị bắt. Lúc này Mai đã mang bầu được 7 tháng. Với hành vi che giấu tội phạm, Mai bị kết án 7 tháng tù còn Định bị tuyên án tử hình. Nghĩ đến người yêu với đứa trẻ chưa kịp chào đời đã sớm chịu thiệt thòi, Định làm đơn kháng cáo và được giảm án xuống chung thân. Về trại giam Vĩnh Quang cải tạo, điều đầu tiên mà Định muốn làm là viết thư về cho Mai, hỏi xem con mình là trai hay gái. Trong thư gửi cho Mai, Định dặn người yêu lấy tên Bảo Toàn đặt cho con trai còn con gái thì đặt tên là Phương Huyền. Mai làm đúng theo lời Định dặn và cô đã bế con lên thăm người yêu. Bất ngờ và cảm động, Định òa lên khóc vì sung sướng, mắt không dời đứa trẻ bụ bẫm đang ngơ ngác nhìn vì lạ. “Tháng trước Mai lên thăm em, kể con bé sau hôm lên thăm bố về nhà ốm, em bảo lần sau đừng cho con đi nữa. Không được chăm sóc, bế bồng con, nghe con ốm càng suy nghĩ nhiều hơn”, Định bộc bạch, khuôn mặt tuổi đôi mươi chùng xuống, phảng phất những suy nghĩ rất đời của một ông bố xót con. Theo tâm sự của Định thì sau khi về Vĩnh Quang cải tạo, để Mai có danh, có phận, anh đã viết thư cho bố mẹ, nói rõ chuyện tình cảm của mình để gia đình lên đón mẹ con Mai về, coi như dâu con trong nhà. Từ ngày về nhà Định, Mai có phần vui vẻ hơn, con gái cũng được chăm sóc tốt hơn. Ngoài những lần lên thăm Định, cô thường xuyên viết thư động viên người yêu, thông báo đã ra chợ bán hàng giúp mẹ. Những lá thư của Mai khiến Định suy nghĩ nhiều và cũng là động lực để anh phấn đấu cải tạo tốt để ngày về thêm gần.
Án hơi nặng - buồn nhỉ - ra đầu thú có phải sớm về với con hơn ko - vợ thì chưa chắc nó đã chờ ......