Thú chơi hàng xa xỉ, hàng hiệu để chứng minh đẳng cấp đã thịnh hành vài năm nay, nhưng đến lúc này nhiều người vẫn không khỏi giật mình khi nghe đến những món hàng siêu sang, siêu đắt đang được nhập vào Việt Nam. Bởi mức độ xa xỉ của nó đã vượt quá sự tưởng tượng của họ. Siêu xe trong suy nghĩ của bạn, chắc chắn là những chiếc xe trị giá chục tỉ đồng hay cả triệu USD? Loại này "xưa rồi" bởi ở VN hiện có tới vài chục chiếc. Giới chơi xe đang lan truyền, siêu xe hàng đầu thế giới với giá lên tới 50 tỉ đồng đang được đặt mua về Việt Nam. Chiếc "lâu đài di động" này liệu có vượt quá tưởng tượng của bạn về siêu xe? Chắc chắn là có bởi loại này, muốn mua cũng khó và trên thế giới, cũng chỉ có 1 - 2 chiếc mà thôi. Thế mới thấy, xét về độ chịu chơi, giới "đại gia" của Việt Nam không thua kém bất cứ một nước giàu có nào trên thế giới. Điều đáng lo ngại là thú chơi hàng xa xỉ đang lan rộng sang mọi lĩnh vực, mọi vật dụng. Nếu trước kia, hàng xa xỉ trong suy nghĩ của nhiều người là siêu xe, điện thoại, đá quý... thì bây giờ, hàng xa xỉ xuất hiện ở những vật dụng quen thuộc nhất. Những chiếc túi hàng hiệu giá vài trăm triệu đồng liên tục phá kỷ lục nhau về giá trị để người ta chứng minh "đẳng cấp". Thiên hạ chưa hết "choáng" với đôi giày giá lên tới trên 200 triệu đồng lại ngã ngửa với chiếc áo mà chủ nhân của nó khẳng định, là "độc nhất vô nhị" trên thế giới nên đã bỏ ra gần 1 tỉ đồng để sở hữu bằng được... Người ta bảo đó là "đam mê", là thú vui. Mà đã là đam mê, sở thích hay thú vui... thì không thể đong, đếm bằng tiền. Cũng không ít người lại cho rằng, có tiền thì có quyền hưởng thụ. Việt Nam đã hội nhập, chuyện xài hàng hiệu, hàng đắt tiền cũng chứng minh sự phát triển của đất nước... Tất cả những ý kiến này đều hợp lý nếu không xét đến bối cảnh kinh tế nước ta. Đầu tiên là nhập siêu. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của nền kinh tế tồn tại nhiều năm qua. Việc nhập hàng xa xỉ ngày càng tăng đã và đang góp phần làm tăng thâm hụt thương mại, gây áp lực lên tỷ giá, lạm phát và nền kinh tế. Vậy có hợp lý không khi để một bộ phận nhỏ trong xã hội "thỏa mãn đam mê" thì bữa cơm của hàng triệu gia đình đang bị giảm chất lượng; hàng ngàn doanh nghiệp phá sản? Có hỗ thẹn và nhục nhã không khi chúng ta đang góp từng đồng ngoại tệ từ mồ hôi, nước mắt của những người công nhân dệt may, da giày, thủy sản nhưng lại "xuất" hàng tỉ USD nhập siêu xe, hàng hiệu, rượu ngoại? Chúng ta nghĩ gì khi nền sản xuất trong nước đang ngập trong khó khăn về tiêu thụ, về thị trường thì tâm lý "sính ngoại" lại đang ngày càng lan rộng trong xã hội? Chúng ta nghĩ gì trước bài toán "với thu nhập bình quân 1.000 USD/người/năm, nếu không chi tiêu gì thì phải mất tới 750 năm để một người Việt Nam mua được một chiếc siêu xe giá 20 tỉ đồng?". Miễn, giảm thuế người lao động, cho doanh nghiệp và hoàn lại ngân sách khoản miễn, giảm này bằng cách đánh thuế thật mạnh các mặt hàng xa xỉ nhập khẩu. Việc này không chỉ hạn chế nhập siêu, giảm tâm lý "sính ngoại" mà còn khuyến khích dùng hàng sản xuất trong nước, đồng thời giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn hiện tại.