Trước thông tin của kênh CNBC (Mỹ) cho biết trong vòng 1 tháng qua, Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và đất đối không tại 3 khu vực trên biển Đông gồm Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, giới phân tích nhận định đây là âm mưu quân sự hóa các thực thể trên biển Đông. Sơ đồ vị trí mà Trung Quốc đã đưa tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không tầm xa lên 3 đảo nhân tạo: Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Ảnh: REUTERS Đe dọa các bên Cụ thể, ông Joseph Felter, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam Á và Đông Nam Á, cho biết, thông tin việc Trung Quốc bố trí tên lửa trên các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa trên biển Đông “hoàn toàn giống âm mưu quân sự hóa những thực thể tranh chấp” và nêu rõ: “Chúng tôi không ủng hộ điều đó. Chúng tôi muốn một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp này”. Đồng thời, ông Felter nhắc lại lập trường phản đối của Mỹ đối với hành động bồi đắp và quân sự hóa các thực thể, gồm đảo san hô và đảo nhỏ, tại các khu vực tranh chấp. Ông Felter nhấn mạnh: “Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu và hoạt động bất kỳ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi khuyến khích các nước khác thực thi quyền tương tự trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”. Theo kênh CNBC, loại tên lửa mà Trung Quốc bố trí trên 3 đảo nhân tạo Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn là tên lửa chống hạm YJ-12B, có thể bắn trúng tàu thuyền trong phạm vi 400km. Cùng với đó là tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B, có thể bắn hạ các máy bay hay tên lửa trong phạm vi 200km. Chuyên gia về biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), ông Greg Poling, nhận định: “Những hệ thống tên lửa này rõ ràng là một mối đe dọa tấn công đối với các bên còn lại liên quan đến tranh chấp. Hành động này đưa Trung Quốc đến gần hơn với mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng biển và vùng trời tại biển Đông”. Theo chuyên gia Poling, giờ đây bất cứ tàu thuyền hay máy bay nào hoạt động gần khu vực Trường Sa đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc. Cố vấn cấp cao về châu Á của CSIS, bà Bonnie Glaser, dự báo Bắc Kinh sẽ không dừng lại ở đó. Theo bà Glaser, Trung Quốc sẽ có bước đi tiếp theo là triển khai máy bay chiến đấu. Câu hỏi về ADIZ Ngày 6-5, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo đã lên án việc Trung Quốc được cho là triển khai các hệ thống tên lửa trên 3 hòn đạo tại biển Đông. Trong một tuyên bố, bà Robredo đã hối thúc chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc để khẳng định các quyền của Philippines. Bà Robredo cũng chỉ trích “hoạt động quân sự hóa gia tăng” tại các vùng biển của Philippines, điều vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, trước đó ngày 5-5, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque, cho biết, chính phủ nước này sẽ sử dụng con đường ngoại giao và mọi biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề Trung Quốc triển khai các hệ thống tên lửa tại biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho hay, việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông cần phải có sự thảo luận giữa toàn bộ các bên tranh chấp và các bên nằm ngoài khu vực, đồng thời thừa nhận giải quyết tranh chấp trên biển sẽ là thách thức cho các nhà ngoại giao. Theo ông Collin Koh, nhà nghiên cứu của Chương trình An ninh hàng hải, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, Bắc Kinh luôn mạnh miệng coi những hoạt động nói trên không phải là quân sự hóa, mà chỉ là những biện pháp mang tính phòng thủ, tự vệ, trong khi họ xem những hoạt động tương tự của các nước khác là quân sự hóa. Trong khi câu hỏi được đặt ra là Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở biển Đông hay không. Hãng tin RFI dẫn nhận định của một số nhà phân tích cho rằng nếu việc triển khai tên lửa ở Trường Sa là có thật, việc thiết lập ADIZ có thể là bước kế tiếp để Trung Quốc làm bá chủ biển Đông. nguồn: sggp.org.vn